Bạn có thể giảm độ pH bằng phương pháp bổ sung lượng axit, đây là một cách đơn giản và tốn ít chi phí để giảm khả năng cáu cặn trong tháp giải nhiệt nước nóng. Nó có khả năng biến đổi các chất hình thành cáu cặn thành các chất có hình thức dễ hòa tan. Ví dụ như canxi cacbonat được chuyển đổi thành canxi sulfat nhờ sử dụng chất axit sunfuric để có thể dễ hòa tan hơn.
Bạn cần lưu ý không nên bổ sung quá nhiều axit vào nước sẽ làm giá trị trị pH giảm mạnh và gây ra sự ăn mòn rất nhanh chóng trên tất cả bộ phận của tháp giải nhiệt nước. Vì vậy, bạn cần phải kiểm soát độ pH thích hợp cho việc chống cáu cặn lẫn ăn mòn tháp giải nhiệt nước hiệu quả.
Bạn có thể sử dụng một số loại hóa chất như polymethacrylate, polymaleic, phosphat natri,... để ức chế lượng cáu cặn trong tháp giải nhiệt nước.
Theo nguyên tắc chung thì các chất ức chế cáu cặn thông thường như phosphonit và polyacrylate có thể được sử dụng nếu chỉ số bão hòa của nước tuần hoàn không vượt quá 2.0. Chỉ số bão hòa của nước lên đến 3.5 có thể xử lý bằng cách sử dụng co- và ter polymers kết hợp với những chất hoạt động bề mặt.
Chất lượng nước đầu vào xác định được mức độ tích tụ cáu cặn trên bề mặt trao đổi nhiệt. Độ kiềm và độ cứng trong nước vào càng lớn thì khả năng tích tụ cáu cặn trong tháp giải nhiệt nước càng cao. Chu kỳ cô cạn là tỷ lệ giữa nồng độ các chất hòa tan trong nước tuần hoàn với nồng độ của những chất tan tương tự có trong nước cấp.
Việc xả đáy và kiểm soát chu kì cô cạn là 2 công đoạn then chốt và có thể nói là quan trọng nhất trong việc kiểm soát cặn bẩn tháp giải nhiệt nước. Sự thất thoát nước do sự bay hơi trong hệ thống tháp giải nhiệt nước làm nồng độ của chất rắn hoà tan hoặc lơ lửng trong nước tuần hoàn tăng lên so với nước tại đầu vào.
Nồng độ của các tạp chất cao hơn có thể dẫn tới sự hình thành của cáu cặn và ăn mòn trong hệ thống tháp giải nhiệt. Vì vậy, nồng độ tạp chất nên kiểm soát bằng cách thay thế lượng nước trong hệ thống bằng lượng nước mới.
Xử lí nước bằng phương pháp lọc nhằm loại bỏ chất lơ lửng như phù sa, bùn và vi sinh vật từ nước trong tháp giải nhiệt bằng cách thu thập các chất rắn trên một vật liệu xốp. Loại bỏ những chất lơ lửng giúp các chất xử lý hóa học làm việc hiệu quả hơn. Có hai phương pháp lọc là lọc trực tiếp và lọc gián tiếp.
- Lọc trực tiếp là phương pháp cho phép tất cả nước trong hệ thống tuần hoàn đi qua một bộ lọc để loại bỏ những chất rắn lơ lửng và các tạp chất.
- Lọc gián tiếp là phương pháp đặt một bộ lọc trong dòng nước trích giúp lọc được một phần nước tuần hoàn và tái sử dụng, phương pháp này nhằm giảm thiểu lượng nước cũng như chi phí lọc.
Trên đây là những phương pháp kiểm soát lượng cáu cặn trong tháp giải nhiệt nước được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn bổ sung thêm kiến thức nhằm phát huy hiệu quả nhất chức năng của tháp giải nhiệt nước.